5 điểm khác biệt giữa việc học tại Việt Nam và Canada

Vậy là cũng hơn bốn tháng mình khăn gói lên đường đi du học Canada. Trước khi  du học, mình đã có bốn năm trên giảng đường tại Việt Nam, và sau bốn tháng học tập ở đây mình nhận ra một vài điểm khác biệt giữa việc học ở hai nước mà mình nghĩ là khá thú vị. 

Trong bài viết này, mình sẽ liệt kê ra 5 điểm mình cảm thấy khác biệt khi học ở Canada. Mình cũng xin nói thêm, bài viết này không nhằm mục đích so sánh hai hệ thống giáo dục của hai nước, nó chỉ đơn thuần là cảm nhận của mình khi tiếp xúc với môi trường giáo dục hoàn toàn mới tại xứ sở lá phong này mà thôi.

Chủ động trong học tập

Để đạt thành tích cao, ai cũng phải siêng năng và tự chủ động trong việc học dù cho bạn có học ở đâu đi chăng nữa. Tuy nhiên, việc tự học ở Canada mang lại cho mình trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Nó căng thẳng hơn rất nhiều vì một vài lý do như sau:

a. Ngôn ngữ

Khi mình học đại học ở Việt Nam, mọi kiến thức trong tài liệu học tập được thể hiện tường tận bằng tiếng Việt. Do đó, mình chỉ cần tập trung học trên lớp và dành khoảng ¼ thời gian một ngày làm bài tập ở nhà là đã có thể tốt nghiệp loại khá/ giỏi.

Nhưng, mọi thứ thay đổi 180 độ khi mình trở thành sinh viên cao đẳng ở Canada. Trong suốt hơn nửa học kì 1, dù cho mình cố gắng lắng nghe đến cỡ nào thì mình vẫn không nắm bắt kịp 50% bài giảng trên lớp, cho nên mình không có lựa chọn khác là phải chủ động tự học dựa vào sách và các nguồn tài liệu trên mạng. So với sinh viên bản xứ, mình phải tự mày mò và nghiên cứu và bỏ ra khoảng thời gian gấp đôi và thậm chí gấp ba lần để có thể đạt được kết quả như với họ. Có thể nói rằng, nếu như khi ở Việt Nam, việc tự học là một yếu tố đủ để đạt điểm tốt thì nó trở thành yếu tố bắt buộc khi đi du học ở Canada. 

b. Thời gian

Để cân bằng giữa việc học tập và làm việc, mình phải chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để làm thêm và các sinh hoạt khác trong cuộc sống mà không ảnh hưởng đến việc hoàn thành bài học. Thật ra đó là điều không hề đơn giản vì không hiếm trường hợp sinh viên bị cuốn vào việc làm thêm, kiếm tiền mà lơ là việc học hay thậm chí là bỏ học. Vì vậy, mình lúc nào cũng phải giữ vững lập trường và tự nhủ với bản thân rằng mục đích hiện tại của mình là cố gắng học, từ đó phải biết gác lại một phần việc kiếm tiền mà tập trung vào học hành. 

c. Chủ động 

Mình cảm thấy du học ở Canada là “học chủ động”, lấy người học làm trung tâm và nhiệm vụ chính của giảng viên là thiết kế bài giảng cũng như giải đáp thắc mắc của sinh viên. Vậy nên sinh viên thường yêu cầu phải nghiên cứu và đọc bài trước ở nhà, lên lớp sẽ đặt câu hỏi cho thầy cô, tạo nên một môi trường học bàn tán sôi động.

Hơn nữa, một học kì thường bao gồm một vài lớp dạng “online”, nghĩa là học hoàn toàn trên mạng. Khi đó, việc tự học trở thành điều trọng yếu khi mà mình phải tự đọc sách, nghiên cứu dựa trên tài liệu mà giảng viên đăng tải trên mạng, nếu có những vấn đề không hiểu thì hỏi giảng viên thông qua email. Do đó, nếu mình không biết sắp xếp lịch học thì sẽ dẫn đến tình trạng bài bị dồn quá nhiều, và có thể đạt kết quả không tốt khi kiểm tra do không học kịp. 

di du hoc va di hoc tai viet nam

Sự liên kết giữa giảng viên và sinh viên

Khi còn ở Việt Nam, vì những yếu tố vô hình như quan niệm và ảnh hưởng của văn hóa nên sự giao tiếp giữa mình với thầy cô và những nhân viên nhà trường khá là dè dặt và kính sợ. Không bàn tới việc đó là tốt hay xấu, mình nghĩ đó là thói quen được hình thành từ những bài giảng đạo đức từ nhỏ cũng nhỏ phong tục tập quán nơi mình lớn lên. 

Tuy nhiên, mình thật sự bị choáng khi nhìn cách mà sinh viên bản địa giao tiếp với giáo viên. Họ luôn duy trì cuộc đối thoại trong tâm thế thoải mái và gần gũi, hay thậm chí là chèn thêm dăm ba câu đùa khi viết email gửi giảng viên. 

Khoảnh khắc mà mình thật sự cảm nhận được sự gần gũi đó là khi mình tham gia vào ngày hội tuyển dụng giảng viên tại trường với tư cách là sinh viên tình nguyện. Cùng với giảng viên và nhân viên  nhà trường chỉ có ba sinh viên tham gia, bạn có thể mường tượng được ban đầu mình cảm thấy rất ngượng và e dè. Song, mình thật sự bị ấn tượng bởi cách mà một sinh viên người Canada trò chuyện với giảng viên – những người ở vị trí cao hơn trong hệ thống cấp bậc của nhà trường. Họ nói chuyện với nhau như những người bạn và bạn ấy còn cười ra tiếng trước những câu đùa của giảng viên, trong khi mình còn không dám nói chuyện lớn tiếng với giảng viên hồi còn ở Việt Nam.

Mình phải thừa nhận rằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên và giảng viên làm mình cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, khi mình có thể tự do thể hiện quan điểm của mình, thậm chí điều đó trái với ý kiến của giảng viên.

Môi trường hoàn toàn “Plagiarism-Free”

Đạo văn là một vấn đề cực kì, cực kì, cực kì (việc quan trọng phải nhắc lại ba lần) nghiêm trọng khi học du học tại Canada. Theo những gì mình hiểu, một người sẽ bị tính là đạo văn khi một câu trong bài viết của họ lấy ý tưởng từ bài viết của người khác mà không dẫn nguồn. Mình có nghe nói một số trường tại Việt Nam cũng rất quan trọng vấn đề này, nhưng trường mình học thì lại không, do đó khi sang đây mình khá là choáng ngợp với mức độ nguy hiểm của nó. 

Hồi mình còn học đại học, vấn đề “copy” và “paste” những kiến thức tìm được trên mạng rồi “cắt gọt” lại để biến thành một bài mới mà không dẫn nguồn là việc rất phổ biến trong trường mình. Song, khi sang Canada, mình bắt đầu thật sự nhận thức tầm nguy hiểm của việc đạo văn là từ khi chứng kiến hàng loạt sinh viên lớp mình bị 0 điểm trong bài kiểm tra vì không dẫn nguồn, thậm chí có một bạn còn bị zero trong bài chiếm 30% điểm cuối kì và bị phết vào lý lịch (có thể ảnh hưởng xấu đến việc tìm việc làm hay học cao hơn sau này) vì quên trích dẫn một đoạn nhỏ trong bài. Cho nên đạo văn trở thành một cơn ác mộng đối với mọi người trong nhóm mình, vì nếu thành viên trong nhóm không trích dẫn thì cả nhóm sẽ phải gánh hậu quả. 

Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học

Hồi mình còn học ở Việt Nam, đa phần các cách học của mình đều được thực hiện một cách thủ công, như là in các file bài giảng của giáo viên và ghi chú trực tiếp trên đó, chụp hình lại những gì giáo viên ghi trên bảng cũng như highlight các nội dung trọng tâm trong sách. Ngoài việc thuyết trình trên lớp ra, mình rất hiếm khi sử dụng laptop trên lớp. Do đó, đối với mình, việc có laptop hay không không thực sự quan trọng, thay vào đó mình thường ghi chép bằng tay và nghiên cứu tài liệu trên mạng bằng máy tính bàn hơn là  mang laptop vào trường.

Nhưng, từ khi sang Canada, vì chương trình mình học là dạng BYOD (Bring Your Own Devices), nghĩa là việc học yêu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ, nên laptop trở thành một vật không thể thiếu mỗi khi đến lớp. Trong các môn học, giảng viên sẽ yêu cầu chúng mình ứng dụng các phần mềm trên máy tính vào việc học dù cho chương trình học của bạn là gì, vì công nghệ thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống phải không nè :). Ví dụ, giảng viên môn quản trị dự án đã dành ra hai buổi học, chỉ để hướng dẫn chúng mình cách sử dụng MS Project cho việc làm dự án.

Từ khi mình đi du học, balo mình đã nhẹ đi rất nhiều vì sự vắng mặt của sách vở. Những gì mình cần để “sinh tồn” trong lớp chính là laptop, một cuốn vở trắng và một cây bút. 

Một điểm thú vị nữa là, khi học tại Algonquin, mình được sử dụng Brightspace (một trang ứng dụng được thiết kế riêng cho việc học), là nguồn dự liệu chính của sinh viên khi mà tất cả các bài giảng, thông tin giáo viên, lịch học, lịch kiểm tra và mọi thứ liên quan đến nội dung học tập sẽ được đăng ở đây. Đối với các lớp học dạng “online”, Brightspace cũng có thể được xem là lớp học. 

À, một điều mình cực kì thích khi đi du học chính là nhà trường tạo rất nhiều điều kiện cho chúng mình sử dụng các thiết bị công nghệ cao, như việc wifi cực kì mạnh và được phủ sóng toàn bộ khuôn viên trường 24/7, điều mà trường đại học của mình không hề có. Chúng mình có thể dễ dàng truy cập tài liệu online ngay trên lớp học. Thêm một lợi ích khi trở thành sinh viên của Algonquin chính là việc mình có thể sử dụng các phần mềm máy tính có bản quyền  như bộ ứng dụng Microsoft hay Adobe miễn phí.

Về tài liệu học tập, hay cụ thể ở đây là sách giáo khoa, ngoài việc mua bản bìa cứng thì mình còn có thể chọn ebook (sách online). Thật ra thì lúc đầu mình cũng khá bài xích việc đọc sách trên mạng vì mình nghĩ sẽ khó có thể tập trung như đọc sách bình thường. Tuy nhiên, việc dùng ebook mang lại hiệu quả tuyệt vời hơn mình tưởng, khi mà chúng vừa gọn nhẹ, vừa được phân loại ra thành các mục cụ thể rất tiện cho việc nắm bắt bài học, dễ dàng tìm kiếm nội dung, và mình còn có thể highlight hay ghi chú trực tiếp trên đó nữa. Ngoài ra, giá tiền của ebook rẻ hơn sách bìa cứng khá nhiều nên mình có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể. Vì những ưu điểm đó, mình đã quyết định đầu tư 100% cho ebook trong kì học sắp tới thay vì mua sách bìa cứng (cười). 

Nhắc tới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học thì không thể nào nhắc đến kho thư viện online được. Các môn của ngành mình lúc nào cũng yêu cầu chúng mình chứng minh luận điểm bằng các bài nghiên cứu khoa học. Ban đầu mình tưởng rằng mình phải “ăn ngủ” cả ngày trên thư viện để tìm được bài viết phù hợp, song mọi việc đều được giải quyết nhanh gọn bằng dữ liệu thư viện trực tuyến. Mình chỉ cần ngồi thật thoải mái, gõ từ khóa liên quan đến chủ đề mình muốn tìm, chọn thể loại văn bản mình cần và hằng hà sa số các văn bản sẽ hiện ra, thậm chí có những văn bản cách đây sáu bảy mươi năm nữa. Thật tuyệt vời phải không nào?

Làm việc nhóm 

Đa phần các ngành học ở Canada đều yêu cầu bạn trở thành một “team-player”, có thể hiểu nôm na là khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Trong học kỳ đầu tiên của mình, sáu trên sáu môn đều có bài tập nhóm và những bài này thường chiếm khá nhiều phần trăm của tổng điểm. Mình tự nhận bản thân là một người hướng nội thực thụ và một người theo chủ nghĩa cá nhân (individualism), và mình  đã rất khó khăn để tiếp nhận sự thật này lúc ban đầu . Song, sau bốn tháng học tập, mình cảm nhận được rằng “team-player” gồm 20% khả năng bẩm sinh và 80% khả năng tôi luyện. Nghĩa là, để có thể làm việc nhóm một cách hiệu quả, mình cần phải rèn luyện cách dung hòa bản thân vào môi trường nhóm với những con người cùng những tính cách khác nhau. 

du hoc canada lam viec nhom

Làm việc nhóm không đơn thuần là chia bài ra rồi ai làm việc nấy như mình đã từng hồi còn học đại học, “teamwork” ở đây bao gồm cả việc nhóm sẽ ngồi lại thảo luận cùng nhau hướng phát triển cho bài tập, cùng nhau đưa ra ý tưởng và góp ý cho nhau. Trong học kì trước, nhóm mình thường dành ra tận 10 giờ đồng hồ một tuần để họp nhóm và mình cũng thật sự bất ngờ rằng trong 10 giờ đó chúng mình thực sự cùng nhau làm việc chứ không ngồi hàn thuyên.

Một điều không thể tránh khỏi khi làm việc nhóm là sự chênh lệch trong  năng suất và hiệu quả làm việc của từng thành viên, sẽ có những trường hợp bạn gặp phải những thành viên không chịu hợp tác, và mình cũng vậy. Song, tùy vào từng trường hợp mà mình sẽ có những hướng giải quyết khác nhau. Thật sự thì có những lúc mình cảm thấy kiệt sức khi làm việc nhóm, nhất là khi có người không chịu học và mình đã phải gánh cả phần của họ, nhưng tin mình đi, nếu bạn cố gắng vượt qua thời gian khó khăn ấy bằng tất cả nỗ lực như mình từng, thì sau này nó sẽ mang lại cho bạn cảm giác rất “thành tựu” đó. Tuy  nhiên, khi bạn rơi vào trường hợp ấy, mình nghĩ rằng cách tốt nhất là hãy thẳng thắn với nhau hoặc trình bày vấn đề với giảng viên.

Việc đánh giá thành quả từ các thành viên trong nhóm rất có giá trị khi mà nó thực sự có thể ảnh hưởng tới điểm số của bạn. Như mình nói ở trên, có những thành viên nhóm mình không chịu hợp tác trong quá trình làm nhóm và chúng mình quyết định sẽ đáng giá họ một cách thẳng thắn, và kết quả là giảng viên đã đánh giá điểm của họ dựa vào những nhận xét của chúng mình. 

Con đường dùi mài kinh sử trên xứ sở lá phong của mình vẫn còn dài, và mình sẽ cập nhật thêm những trải nghiệm sắp tới. Nhưng với những gì mình đang trải qua ở đây, qua bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn có một cái nhìn tươi mới từ một người “newbie” trên đất Canada.

Hãy để lại bình luận cho mình bên dưới nếu bạn có thắc mắc gì nhé!

Thông tin tác giả

Du Nguyen
Du Nguyen
Vân Du hiện đang là du học sinh tại Canada. Du viết blog để chia sẻ những trải nghiệm trên con đường du học với hy vọng những thông tin ấy sẽ giúp ích cho mọi người, đặc biệt là những bạn đang có dự định du học hoặc đang ở tại xứ sở lá phong.
Facebook

Leave a Reply